Trong suốt quá trình thai nghén, các bà bầu có thể bị đau bụng bất kỳ lúc nào với bất kỳ lý do gì. Chẳng hạn, ăn quả xoài, quả ổi đôi khi cũng gây đau bụng. Tiêu chảy cũng đau bụng, táo bón cũng đau bụng... Những nguyên nhân đau bụng kể trên không liên quan gì đến thai kỳ và có thể xảy ra ở trẻ em, người lớn, nam hoặc nữ.

Mỗi một nguyên nhân gây đau bụng có những biểu hiện khác nhau. Ví dụ: đau bụng xảy ra sau ăn chua có thể nghĩ đến bệnh lý dạ dày, đau thường ở vùng thượng vị, đau âm ỉ, có thể kèm ợ chua, ợ nóng, sẽ giảm đau sau khi uống thuốc điều trị bệnh dạ dày. Viêm ruột thừa gây đau thượng vị, sau đó khu trú về phía hố chậu phải, kèm theo hâm hấp sốt, buồn nôn, chán ăn...

Đau bụng liên quan đến bầu bì xảy ra trước tuần lễ thứ 20 thai kỳ có thể kể đến những nguyên nhân như:

Dọa sẩy thai: đau bụng dưới từng cơn, dấu hiệu đi kèm là ra huyết hồng âm đạo.

Sẩy thai: đau bụng quặn từng cơn, ra huyết đỏ âm đạo, có thể kèm theo nước ối hoặc một phần
thai.

Thai ngoài tử cung: đau âm ỉ vùng bụng dưới, khi có đau bụng dữ dội là thai ngoài tử cung đã
vỡ.

Đau bụng liên quan đến bầu bì xảy ra sau tuần lễ thứ 20 thai kỳ:

Dọa sinh non: đau bụng từng cơn xuất hiện trước tuần 37 thai kỳ, có thể ra huyết hồng âm đạo,thai vẫn máy bình thường.

Đau bụng đẻ: đau bụng từng cơn, bắt đầu là sự xuất hiện những cơn co tử cung gây đau. Lúc đầu, các cơn co nhẹ và thưa, trong 10 phút có khoảng hai đến ba cơn co, mỗi cơn co kéo dài khoảng 30-40 giây. Về sau, các cơn co tăng dần về cường độ và thời gian, có thể ba-bốn cơn co trong 10 phút, mỗi cơn co kéo dài 40-50 giây. Giữa các cơn co tử cung là thời gian nghỉ, vào thời gian nghỉ ngơi này, các bà bầu không còn cảm giác đau bụng nữa. Các cơn co tử cung giúp cổ tử cung mở rộng ra.

Đau bụng đẻ thường xuất hiện khi thai đủ trưởng thành (≥ 38 tuần), đôi khi xảy ra ở tuổi thai sớm hơn gọi là chuyển dạ sinh non. Đau bụng đẻ còn gọi là chuyển dạ sinh.

Chuyển dạ sinh là giai đoạn kết thúc quá trình mang thai, gồm nhiều hiện tượng, diễn biến để
cuối cùng thai nhi được sinh ra.


Nhận biết dấu hiệu chuyển dạ

Đau bụng từng cơn, dấu hiệu này thường gặp nhất khi chuyển dạ. Ngoài ra, có thể xuất hiện các
dấu hiệu khác như: ra nhớt hồng âm đạo; ra nước âm đạo do vỡ ối; đôi khi ra máu âm đạo.

Có những bà bầu chỉ xuất hiện một dấu hiệu, có những bà xuất hiện hai hoặc ba dấu hiệu kể trên cùng lúc.

Khi có một trong các dấu hiệu kể trên, các bà bầu nên đến cơ sở y tế gần nhà để được khám và theo dõi.

Thời gian đau bụng đẻ dài bao lâu?

Một thai phụ từ khi bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ đến khi bé chào đời không kéo dài quá 24 giờ.

Con so chuyển dạ lâu hơn con rạ và thời gian chuyển dạ trung bình của con so là 12-24 giờ.

Con rạ thường diễn tiến trong khoảng 8-12 giờ. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp chuyển dạ sinh khá nhanh, do vậy cần có sự chuẩn bị chu đáo.

Nên chuẩn bị gì vào tháng cuối thai kỳ?

Thông thường các bà mẹ mang thai chín tháng mười ngày (hoặc tròn 40 tuần tuổi thai) là bước vào giai đoạn chuyển dạ. Có những bà mẹ chuyển dạ trước ngày dự sinh từ một đến hai tuần. Vì vậy, việc chuẩn bị sẵn sàng những vật dụng khi đi sinh là rất cần thiết.

Chuẩn bị cho mẹ:

- Sổ khám thai và các xét nghiệm trong thời kỳ mang thai. Các loại giấy tờ này nên cho vào một bìa nhựa.

- Ghi rõ ràng các chi tiết vào một sổ nhỏ: họ tên, năm sinh, địa chỉ hộ khẩu gốc để làm giấy chứng sinh đúng, tránh sửa chữa sau này. Nếu có bản photo chứng minh nhân dân, hộ khẩu của sản phụ càng tốt.

- Nếu bà bầu thuộc diện bảo hiểm y tế (BHYT): photo mỗi loại hai bản: thẻ BHYT (có dán ảnh), thẻ gia hạn BHYT (nếu thẻ BHYT không có dán ảnh, mang theo một giấy tờ tùy thân có ảnh), giấy chuyển viện BHYT (nếu có).

- Vật dụng cá nhân của sản phụ gồm quần, áo, quần lót (vải hoặc giấy), khăn, lược, bàn chải đánh răng. Vào mùa lạnh nên chuẩn bị áo ấm, vớ, mũ hoặc khăn đội đầu. Một gói băng vệ sinh để bà bầu dùng sau khi sinh.

- Đừng quên chuẩn bị một số tiền mang theo.

Chuẩn bị cho bé: áo (cotton), nón, tã (giấy, vải); bao tay, bao chân, dầu (khuynh diệp); dầu gội, khăn lông (lớn, nhỏ); khăn sữa (vải mùng).

Lựa chọn cơ sở y tế để sinh nở. Thời gian di chuyển từ nơi ở đến cơ sở y tế không nên quá một giờ, vì nếu ở quá xa, sản phụ có thể đẻ rớt dọc đường. Nên có người thân sẵn sàng đi cùng bà bầu đến cơ sở y tế khi cần thiết.

Các bà bầu cần lưu ý: cho dù do bất kỳ nguyên nhân nào, khi đau bụng các bà bầu nên đến cơ sở y tế để được khám và xử trí thích hợp.

Nguồn: amigopharma.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top