Vì sao trẻ ăn ít đi?
Sức ăn của trẻ giảm đi có thể vì trẻ thấy mệt mỏi. Bữa ăn của trẻ nên cố định và đúng giờ. Tuy nhiên điều đó đôi khi có thể khó để thực hiện chặt chẽ. Nói chung, tốt nhất nên tránh cho trẻ ăn gần vào giờ ngủ và nghỉ ngơi của trẻ. Nếu không tránh được, có thể cho trẻ ăn nhẹ , uống một cốc sữa rồi cho trẻ ăn đầy đủ sau khi trẻ thức dậy và tỉnh táo. Sau một ngày bận rộn và đầy những trải nghiệm mới, trẻ có thể cảm thấy quá kiệt sức để ăn ngon.Làm gì khi trẻ biếng ăn
Chăm sóc trẻ
Ảnh(st) nguyên nhân trẻ ăn ít có thể là trẻ thực sự không thích món ăn mà bạn nấu cho trẻĐôi khi có quá nhiều thứ làm sao lãng sự tập trung của trẻ vào bữa ăn. Nếu bạn cùng trẻ đi chơi, trẻ có thể sẽ cảm thấy hứng thú với khung cảnh và con người xung quanh hơn là thức ăn. Song bạn không cần phải lo lắng vì khả năng trẻ sẽ ăn nhiều hơn vào bữa sau khi về đến nhà. Với trẻ nhỏ, nên cố gắng giảm thiểu những thứ làm trẻ mất tập trung trong bữa ăn. Tắt tivi, cất đồ chơi của trẻ đi, thay vào đó nói chuyện với trẻ.
Trẻ có thể không thấy đói vì trẻ cảm thấy không khỏe dù không có những triệu chứng bên ngoài như sốt hay chảy nước mũi. Đau lợi khi mọc răng có thể khiến trẻ ăn yếu đi. Ép trẻ ăn có thể khiến trẻ thấy mệt mỏi, khó chịu và càng làm trẻ không muốn ăn đồng thời hình thành mối liên hệ giữa thức ăn với cảm giác khổ sở.
Trẻ cũng có thể không thực sự thích món ăn đó. Vị giác của trẻ rất nhạy cảm và thay đổi theo thời gian. Đó có thể là món ăn yêu thích của trẻ trong quá khứ nhưng giờ trẻ đã chán món đó rồi. Nên chia bữa ăn thành hai phần: phần chính gồm các món mặn sau đó là các món tráng miệng. Như vậy khả năng trẻ nhận được dinh dưỡng và năng lượng tăng lên gấp đôi. Đảm bảo món tráng miệng giàu dinh dưỡng, có hoa quả hay bánh ngọt, sữa. Một số trẻ không thích thức ăn được nghiền lẫn vào nhau để chúng có thể lựa chọn ăn món này nhiều hơn món kia. Đưa thìa và dĩa cho trẻ để trẻ có thể tự ăn, thỉnh thoảng có thể thêm những món mà trẻ có thể bốc bằng tay.
Nhiều trẻ vẫn phát triển bình thường dù chúng dường như ăn ít hơn những trẻ khác cùng tuổi. Hỏi ý kiến bác sĩ, kiểm tra mức độ tăng trưởng và phát triển của trẻ trước khi lo lắng vô căn cứ.
Hầu hết các vấn đề về ăn uống sẽ được giải quyết theo thời gian, trừ một số trường hợp chúng mới trở thành vấn đề lâu dài và ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Cha mẹ nên làm gì?
Giữ bình tĩnh và đừng đổ lỗi cho bản thân. Có rất nhiều lý do khiến trẻ không muốn ăn, có thể liên quan đến một điều gì đó xảy ra với trẻ khi còn quá nhỏ và điều đó bạn khó có thể kiểm soát được. Bạn có thể sẽ chẳng bao giờ biết được vì sao con mình ăn ít hơn những trẻ khác.Hãy để bữa ăn là thời gian vui vẻ cho cả gia đình quây quần và trò chuyện cùng nhau. Trẻ sẽ không thể ăn ngon nếu luôn bị quát mắng, nài ép để ăn nhiều hơn khi trẻ đã no hay không thích món ăn đó, hoặc bắt trẻ ăn trong suốt cả ngày.
Đưa trẻ đi cùng khi mua thức ăn, để trẻ lựa chọn thực phẩm, cho trẻ tham gia chế biến và nấu nướng thức ăn, giao cho trẻ dọn mâm cơm. Cho trẻ ăn từng lượng nhỏ để trẻ không cảm thấy choáng ngợp bởi một bát to đầy thức ăn. Khen ngợi trẻ khi trẻ ăn hết chỗ thức ăn đó và khuyến khích trẻ ăn thêm nhưng không nên nài ép.
Cho trẻ ăn đầy đủ ở các bữa chính và có thể một ít đồ ăn nhẹ giữa các bữa ăn. Thời gian còn lại không cần phải bắt trẻ ăn. Đừng cho trẻ đồ ngọt và chocolate chỉ để trẻ ăn gì đó. Nấu món ăn mà trẻ thích vào mỗi bữa ăn, thêm đồ ăn nhẹ kèm theo những món mới hay món mà trẻ ít thích hơn. Khen ngợi trẻ khi trẻ ăn nhưng đừng buồn hay lo lắng khi trẻ không ăn.
Đảm bảo bữa ăn cân bằng và giàu dinh dưỡng để trẻ nhận được nhiều chất dinh dưỡng khi trẻ ăn ngon. Đừng thúc ép trẻ ăn nhanh, nhưng cũng đừng kéo dài thời gian bữa ăn để bắt trẻ ăn nhiều hơn. Giới hạn thời gian bữa ăn trong 20-30 phút, dọn phần thức ăn thừa đi, đừng phàn nàn. Đợi đến bữa sau có thể trẻ sẽ ăn nhiều hơn.
Một số trẻ thích uống hơn ăn, dùng nhiều đồ uống khiến dạ dày không còn chỗ trống cho thức ăn. Cho trẻ uống theo cốc và chỉ cho trẻ uống nước giữa các bữa ăn. Đừng cho trẻ đồ uống trong vòng nửa tiếng trước bữa ăn. Chỉ cần cho trẻ uống sữa 3 lần một ngày.
Một số trẻ ăn khỏe hơn khi ăn cùng trẻ khác, bố trí cho trẻ ăn cùng với các bạn của trẻ. Thay đổi địa điểm bữa ăn, tổ chức một buổi picnic ngẫu hứng với nhiều người trong vườn nhà hay trong phòng chơi, làm bữa ăn trở nên thú vị.
Nên nhớ rằng trẻ học thông qua bắt chước hành vi của bạn. Hãy ăn cùng trẻ và thể hiện cho trẻ thấy bạn ăn vui vẻ và ngon miệng.
Đừng dùng thức ăn để mua chuộc hay làm phần thưởng. Nếu bạn dùng thức ăn B để thưởng cho trẻ khi ăn thức ăn A thì vô tình bạn đã dạy trẻ rằng thức ăn B là thức ăn được mong muốn còn thức ăn A thì không, đi ngược lại với điều bạn muốn dạy cho trẻ.
Nếu một bữa ăn trở thành thảm họa, đừng cảm thấy tội lỗi. Bỏ nó lại phía sau và cố gắng tiếp cận bữa ăn tiếp với thái độ tích cực. Học làm cha mẹ cũng là học từ những sai lầm.
Lập danh sách những món mà trẻ ăn trong vòng một tuần. Nếu trong đó có đầy đủ thức phẩm từ các nhóm khác nhau và mỗi nhóm có một số thực phẩm thì rất có thể vấn đề không tồi tệ như bạn tưởng. Nếu bạn vẫn cảm thấy lo lắng về việc ăn uống của con mình, hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa hay chuyên gia dinh dưỡng.
Người sưu tầm và dịch
Đỗ Thùy Linh
Nguồn tham khảo: http://amigopharma.vn/tre-bieng-an/lam-gi-khi-tre-bieng-an-phan-2-n40-84
0 nhận xét:
Đăng nhận xét