Sốt thường chiếm khoảng 1/3 nguyên nhân khiến bố mẹ phải đưa trẻ đi khám. Đây là triệu chứng lành tính, với 90% nguyên nhân là do siêu vi và khoảng dưới 1% là nhiễm trùng nặng.
Trên thực tế, sốt là phản ứng tự vệ của cơ thể giúp tăng miễn dịch (đề kháng) chống lại tác nhân gây bệnh, là triệu chứng giúp theo dõi diễn tiến bệnh để có những xử trí thích hợp. Tuy nhiên sốt cũng gây ra nhiều bất lợi như gây khó chịu, biếng ăn ở trẻ. Khi sốt kéo dài trẻ thường mất nước, tăng nhịp tim, nhịp thở. Nhiều trường hợp, sốt cao còn dẫn tới co giật. Khoảng 2-5% trẻ số trẻ sốt có biểu hiện co giật, thường gặp ở trẻ 6 tháng đến 5 tuổi.
Sốt thường chiếm khoảng 1/3 nguyên nhân khiến bố mẹ phải đưa trẻ đi khám tại bệnh viện. Ảnh: Lê Phương |
Cần đo nhiệt độ để xác định mức độ sốt của trẻ. Dụng cụ có thể sử dụng là nhiệt kế thủy ngân và nhiệt kế điện tử để đo nách, đo tai, đo trán/thái dương. Tuy nhiên, hiện nay không nên sử dụng nhiệt kế thuỷ ngân vì không an toàn. Thủy ngân rất độc, nếu nhiệt kế bị vỡ sẽ gây nhiều nguy hiểm đến sức khỏe, đặc biệt là trong trường hợp trẻ nuốt phải. Ngoài ra, cũng không nên sử dụng loại nhiệt kế điện tử dán trán vì không chính xác. Nhiệt kế điện tử đo tai cũng thường không chính xác cho trẻ dưới 3 tháng tuổi.
Cách lấy nhiệt độ
Có thể lấy nhiệt độ trẻ tại nách (đa số), miệng, hậu môn, tai, trán/ thái dương (điện tử dùng tia hồng ngoại)
Với trẻ sơ sinh, nên sử dụng nhiệt kế điện tử để kẹp vào nách. Với trẻ 3 tháng - 5 tuổi, có thể lấy nhiệt độ tại nách hoặc tai. Trẻ lớn hơn thì có thể lấy ở nách là chủ yếu.
Thông thường, nếu trẻ có nhiệt độ hậu môn là 36,5 - 37,5 độ C là bình thường. Nếu nhiệt độ hậu môn trên 38 độ C tức là trẻ đã sốt. Trong đó, nhiệt độ hậu môn bằng nhiệt độ nách + 0,5 và bằng nhiệt độ tai + 0,3.
Có thể điều trị ngoại trú (không cần đi cấp cứu trong đêm khuya) trong các trường hợp trẻ có các biểu hiện:
- Chơi, tỉnh táo, khóc to (không kéo dài)
- Hồng hào
- Không khó thở
- Tay chân ấm
- Không có dấu hiệu mất nước
Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện nếu sốt kèm với các triệu chứng:
- Khó thở (thở nhanh, thở lõm ngực, thở rít)
- Tay chân lạnh
- Li bì, không linh hoạt
- Co giật
- Trẻ bị mất nước (mắt trũng, uống nước háo hức, tiểu ít)
- Sốt trên 7 ngày dù sốt nhẹ
- Sốt cùng lúc có ban đỏ
- Sốt nguy cơ nặng: từ 38 độ C trở lên với trẻ dưới 3 tháng, từ 39 độ C trở lên với trẻ từ 3 đến 24 tháng. Cũng cần đưa trẻ đến bệnh viện nếu trẻ dưới 24 tháng sốt trên 2 ngày, trẻ trên 2 tuổi sốt trên 3 ngày.
Để hạ sốt, có thể dùng thuốc hạ nhiệt, tiến hành lau mát bằng nước ấm cho trẻ. Cần lưu ý, miếng dán hạ sốt thường chỉ dán ở trán có thể không hiệu quả.
Xử trí bằng thuốc hạ sốt trong các trường hợp khi trẻ sốt trên 39 độ C, sốt kèm co giật, sốt từ 38,5 độ C trở lên kèm theo khó chịu, khóc, biếng ăn, khó ngủ, sốt từ 38 độ C trở lên có tiền căn bệnh lý tim/ phổi, tiền căn co giật...
Khi sử dụng thuốc hạ sốt cần lưu ý, có thể dùng paracetamol/ acetaminophen: 10-15 mg/ kg cân nặng, uống khi cần mỗi 4-6g. Tuyệt đối không nên dùng aspirin.
Tiến hành lau mát khi sốt kèm co giật, sốt trên 40 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt. Phương pháp này không dùng thường quy vì trẻ dễ run, dễ khiến trẻ khó chịu, mất nhiệt. Khi lau, cần dùng nước ấm (29-32 độ C), nước thường 27 độ C, không dùng nước đá vì chỉ càng khiến làm tăng thân nhiệt của trẻ. Ngoài ra cần chú ý không được pha rượu (gây ngộ độc) hay thoa chanh (gây tổn thương da) khi lau mát cho trẻ.
Lưu ý khi chăm sóc trẻ sốt
- Cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn bình thường theo nhu cầu của trẻ, nên chia nhỏ nhiều cữ hơn.
- Uống thêm nước (không dùng nước ngọt)
- Tái khám ngay nếu hơn 2 ngày không hạ sốt, hoặc có dấu hiệu nặng (dấu hiệu cần đi bệnh viện)
Thạc sĩ, bác sĩ Tống Thanh Sơn
Nguồn: vnexpress.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét