Các mẹ hãy làm theo lời khuyên dưới đây của các chuyên gia y tế để giúp bé loại bỏ những thói quen xấu này cho bé nhé!

Thích đồ ngọt

Ngày nay, có rất nhiều đồ ăn, đồ uống có chứa đường như bánh, kẹo, nước ngọt… Trẻ em rất thích các loại thực phẩm này nhưng nếu ăn, uống nhiều trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nước tinh khuyết phải được coi là “đồ uống” chủ lực trong ngày của trẻ, ngoài ra trẻ có thể uống thêm nước ép trái cây và sữa ít chất béo. Táo, bánh pho mát hoặc sữa chua là đồ ăn vặt lý tưởng giữa những bữa ăn chính để thay thế cho đồ ăn ngọt.

Ngoáy mũi

Ngoáy mũi là tật xấu làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn qua đường mũi, đồng thời dễ dàng lây lan mầm bệnh cho người khác. Nếu bé có tật xấu này, bạn nên nhắc bé không được ngoáy mũi, phải rửa tay sạch sẽ và dùng khăn sạch, mềm để làm vệ sinh mũi. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu về tác nhân môi trường khiến con bị ngứa mũi như: dị ứng, không khí khô, nóng để kịp thời có biện pháp khắc phục, giúp con giảm sự khó chịu và số lần ngoáy mũi.

Những thói quen xấu gây hại cho sức khoẻ của bé

Cắn móng tay

Cắn móng tay là một trong những tác nhân truyền bệnh và có hại cho làn da xung quanh móng tay. Theo phân tích tâm lý, cắn móng tay là biểu hiện trẻ đang cảm thấy nhàm chán hoặc có áp lực tâm lý. Để khắc phục tình trạng này, bạn nên hướng bé vào các hoạt động nhẹ nhàng như đi dạo, nghe nhạc, vẽ tranh… để làm bé vui, phấn chấn và tập trung tinh thần vào hoạt động khác.

Thiếu ngủ

Thiếu ngủ thường khiến bé cáu gắt, mệt mỏi và ảnh hưởng đến thành tích học tập. Bạn nên yêu cầu bé không được thức khuya, không xem phim có tính bạo lực hoặc kích thích thần kinh trước khi đi ngủ. Môi trường lý tưởng để bé có được giấc ngủ ngon cần đảm bảo những yếu tố sau: không có ti vi, phòng có ánh sáng yếu, không gian yên tĩnh, sạch sẽ và thoáng mát.

Theo nghiên cứu, trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo cần ngủ 11 – 13 giờ mỗi ngày, trẻ 5 – 10 tuổi cần 10 – 11 giờ, trẻ 10 tuổi trở lên cần 8,5 – 9,25 giờ.

Không ăn sáng

Đối với trẻ em, bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Nếu không ăn sáng trẻ không đủ dinh dưỡng đảm bảo hoạt động thể chất và tư duy, đồng thời còn làm tăng nguy cơ béo phì.

Vì vậy, bạn cần sắp xếp thời gian cho bé một cách hợp lý để bé kịp ăn sáng trước khi đến trường. Bữa sáng nên có các món ăn giàu protein, chất xơ như trứng, sữa, ngũ cốc, pho-mát ít béo…

Xem tivi, chơi điện tử

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc dán mắt vào màn hình tivi và máy tính rất có hại cho sức khoẻ của trẻ em. Để hạn chế tác hại của thói quen rất khó bỏ này của bé, bạn nên đề ra quy định nghiêm về việc xem tivi và chơi điện tử: dưới 2 tuổi không xem tivi, không để tivi trong phòng bé, không vừa ăn vừa xem tivi, thời gian chơi điện tử không quá 2 giờ đồng hồ mỗi ngày. Tất nhiên, để thực hiện được quy định này, bản thân bạn cũng phải chịu “thiệt thòi” một chút khi phải làm gương, hạn chế thời gian xem tivi và chơi điện tử của chính mình.

Những thói quen xấu gây hại cho sức khoẻ của bé

Lười vận động đặc biệt là với những hoạt động ngoài trời

Thực ra thói quen xấu này không hoàn toàn là lỗi của trẻ mà xuất phát từ sự bận rộn và thiếu quan tâm đến con của các bậc cha mẹ. Các chuyên gia y tế khuyên bạn nên cho trẻ ra ngoài trời vận động ít nhất một lần mỗi ngày với các hoạt động như đi bộ, đi xe đạp, chơi trò chơi…

Hoạt động ngoài trời có thể thúc đẩy phát triển thể chất, tốt cho thị giác và não bộ, đồng thời cung cấp vitamin D giúp phát triển xương.

Kén ăn

Không khó để bắt gặp những bé kén ăn ở xung quanh và thường những bé này hay bị suy dinh dưỡng. Các chuyên gia về trẻ em cho rằng kén ăn là phản ứng bình thường của trẻ em trong một giai đoạn nhất định, cha mẹ không nên nghiêm trọng hóa vấn đề mà cần tìm cách khắc phục kịp thời. Cũng cần biết rằng nếu trẻ kén ăn tức là bé chỉ thích ăn một số ít món, khiến dinh dưỡng của trẻ không được cân bằng.

Vì vậy, nếu bé không thích một món ăn mới, bạn không nên gạch ngay món đó ra khỏi thực đơn của bé mà cần kiên nhẫn thay đổi cách chế biến, trình bày và cho bé thử lại nhiều lần sau đó. Nếu bé kiên quyết không ăn, bạn cũng không nên ép quá mà nên để bé chịu đói một bữa, bữa sau bé sẽ ăn uống bình thường.

Nguồn: amigopharma.vn


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top