Trẻ em thường không thể nói, diễn tả đúng, đầy đủ các triệu chứng đau mà thường chỉ biết khóc. Theo các bác sĩ, bệnh đau ở trẻ thường ít nhận biết, dễ chẩn đoán nhầm. Có 2 bệnh đau ở trẻ phổ biến là đau bụng và đau đầu.

Khó nhận biết khi trẻ đau đầu

Theo PGS-TS Nguyễn Thi Hùng, Chủ tịch Hội Đau TP HCM, đau đầu ở trẻ em là vấn đề thường gặp, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt gia đình, học tập của trẻ. Khoảng 70% trẻ ở tuổi đến trường có một lần đau đầu. Theo thống kê của cấp cứu nhi khoa, đau đầu ở trẻ gồm: Đau đầu do siêu vi (29%-39%), Migraine (đau nửa đầu) và đau đầu căng thẳng (2%-29%), viêm mũi xoang (9%-16%), viêm màng não (2%-9%), dị dạng thông nối hay nhức đầu nước (2%-11%), u não (3%-4%).


Cha mẹ nên theo dõi các dấu hiệu cảnh báo đau ở trẻ để giúp bác sĩ biết trong chẩn đoán, điều trị

Theo TS Hùng, loại nhức đầu thường gặp ở trẻ là Migraine với tần suất ở bé trai 5%, bé gái 10%, cơn nhức đầu có tính tái phát, kéo dài 4-72 giờ. Biểu hiện là đau một bên đầu, có tính chất theo mạch đập, cường độ trung bình đến nặng, tăng cường độ khi hoạt động thể lực kết hợp với buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn. "Rất khó chẩn đoán ở trẻ em bởi thời gian đau ngắn hơn, có xu hướng ở cả hai bên đầu, hơn nữa, trẻ em khó diễn tả các dấu hiệu và triệu chứng, triệu chứng học thay đổi theo thời gian. Thường có các biểu hiện khác đi kèm như chóng mặt, xây xẩm, đau một chi... 1/2 trường hợp trẻ bị đau đầu Migraine khi lớn sẽ tiếp tục bị" - TS Hùng nhận định.

Ngoài ra, ở trẻ còn thường gặp chứng đau đầu căng thẳng (chiếm tỉ lệ khoảng 10%-25%). Nguyên nhân là do stress như ngủ không đủ, bố mẹ ly dị, học tập sa sút, chơi game quá nhiều... Nhức đầu căng thẳng có cường độ nhẹ đến trung bình, đau âm ỉ vùng trán, chẩm hay thái dương, thường đau lúc thức dậy, ít khi buồn nôn hay chóng mặt, kém tập trung, đau cơ, cơn kéo dài 30 phút đến 24 giờ…

Có thể làm giảm đau đầu cho trẻ bằng các biện pháp như khuyến khích con nghỉ ngơi trong phòng tối yên tĩnh, ngủ đủ giấc. Có thể đặt một miếng vải ướt lạnh trên trán trẻ, nên giúp trẻ kiểm soát cảm xúc và giảm stress…

Đau bụng: Nhiều nguyên nhân

Theo BS Hoàng Lê Phúc, Trưởng Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1, khoảng 20% trẻ em bị đau bụng khi đến tuổi 15, trong đó 5% cần nhập viện, một số ít hơn phải phẫu thuật. Có rất nhiều nguyên nhân đau bụng ở trẻ em, khoảng 30% trẻ đau bụng cấp, 2%-11% đau do ruột thừa hoặc tiêu chảy.

Đau bụng cấp là cơn đau xảy ra đột ngột, đau từng cơn kèm theo những triệu chứng như đề kháng hay phản ứng thành bụng. Bệnh gặp ở bất cứ lứa tuổi nào. Nguyên nhân rất đa dạng như viêm ruột thừa, viêm phổi, viêm cơ tim, nhiễm trùng đường tiểu, sỏi tiết niệu, viêm dạ dày ruột cấp, viêm gan siêu vi, nhiễm giun, viêm loét dạ dày…

Đau bụng mạn ở trẻ em có tỉ lệ 10%-15%; biểu hiện khoảng 3 cơn đau tái diễn hoặc kéo dài trong ít nhất 1 tháng. Nguyên nhân thường gặp là Colic, táo bón, bất dung nạp lactose, viêm loét dạ dày tá tràng, đau bụng chức năng chiếm 90%. Colic rất phổ biến ở trẻ dưới 3 tháng với những cơn khóc dữ dội, không dỗ được, tái diễn, co cứng bụng, đỏ mặt, gập gối, thường vào buổi chiều tối, giảm dần theo thời gian.

Táo bón cũng có thể dẫn đến đau bụng ở trẻ. Trẻ đau bụng do táo bón thường có hành vi giữ phân biểu hiện là trẻ ngồi xổm, bắt chéo hai mắt cá, gồng cứng người, đỏ mặt, đổ mồ hôi, khóc, bấu vào mẹ hoặc vật dụng nào đó. Ngoài ra, trẻ khoảng 3-5 tuổi có sự bất dung nạp lactose, sau đó 3-4 năm thì mất hoàn toàn. Để cải thiện tình trạng này nên cho trẻ uống sữa sau khi ăn cơm…

Theo các bác sĩ, đau đầu, đau bụng ở trẻ em là vấn đề thường gặp, cần lưu ý các dấu hiệu cảnh báo. Cha mẹ nên thông tin các triệu chứng của trẻ để bác sĩ thuận tiện cho việc chẩn đoán và điều trị.

Trẻ sơ sinh khi đau chỉ biết khóc, rên, cứng cơ, các chi co hoặc đung đưa, vã mồ hôi, thay đổi dấu hiệu sinh tồn, giãn đồng tử.

Nguồn: amigopharma.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top