Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, trong các ngày 1-3/8, tại thành phố Johannesburg của Nam Phi đã diễn ra Hội nghị quốc tế lần đầu tiên tại châu Phi về sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em, nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em tại châu lục.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nkosazana Dlamini Zuma, Chủ tịch Ủy ban châu Phi, cho biết mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong những năm qua, châu Phi vẫn là nơi có tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em cao nhất thế giới.

Kể từ năm 1990, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em tại châu lục đã lần lượt giảm 41% và 33%, tuy nhiên hiện vẫn có 57% số ca từ vong ở bà mẹ và khoảng một nửa số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu xảy ra tại châu Phi. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là bệnh sốt rét, HIV/AIDS, bệnh viêm phổi và tiêu chảy.

Với khẩu hiệu "Một lời kêu gọi hành động," các nhà lãnh đạo châu lục, đại diện các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ đã cam kết tăng cường nỗ lực mọi mặt nhằm đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, đồng thời tăng cường hợp tác trên bình diện khu vực cũng như quốc gia.

Tại Hội nghị, Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã công bố một sáng kiến mới nhằm tăng cường các dịch vụ sức khỏe sinh sản cho 45 triệu bé gái vị thành niên tại châu lục.

Tiến sỹ Babatunde Osotimehin, Giám đốc chấp hành UNFPA, cho biết: "Có tới 70% dân số châu Phi dưới 30 tuổi. Vì vậy, chúng ta phải bảo đảm rằng tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ, được tiếp cận tất cả những gì cấn thiết cho sức khỏe và hiểu biết của họ, nhằm giúp họ phát huy hết khả năng của mình."

Theo tiến sỹ Osotimehin, ở tất cả 46 nước mà UNFPA khảo sát, tỷ lệ mang thai ở trẻ vị thành niên cũng như tỷ lệ tử vong do nạo phá thai không an toàn rất cao.

Vì thế, việc tuyên truyền sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình là một phần quan trọng trong chiến lược của UNFPA, có thể giúp cứu sống 30% số bà mẹ tử vong khi sinh nở".

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top